Chương trình cầu nguyện Taize: Cầu cho các linh hồn trong luyện ngục

4623 lượt xem
Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của GiuseArt.com, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "giuseart". (Ví dụ: thiệp tân linh mục giuseart). Tìm kiếm ngay

Chủ đề giờ cầu nguyện:Cầu nguyện cho các linh hồn

Làm Dấu Thánh Giá, Hát Kinh Đức Chúa Thánh Thần:

Cầu xin Chúa Thánh Thần. Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa. Trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ĐK: Nguyện xin Chúa ngôi Ba. Đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm. Nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Cầu xin Chúa Thánh Thần.  Người ban cho trí hồn con.  Ơn biết khôn ngoan tìm theo chân lý.  Xa điều gian dối, luôn trung thành.

Mở Đầu

(để mọi người lắng đọng tâm tư sốt sắng tham dự nghiêm trang)

Người dẫn:  Mời cộng đoàn ngồi

Chúng con xin kính mời quý cộng đoàn cùng toàn thể các bạn giới trẻ hãy ổn định chỗ ngồi, mỗi người hãy tìm cho mình một vị trí thật thoải mái để có thể ngồi với Chúa được lâu hơn và giúp tâm hồn mình dễ lắng đọng nhất. Để khởi đầu chương trình cầu nguyện tối hôm nay, xin mời cộng đoàn chúng ta cùng lắng nghe một ca khúc rất tâm tình, được viết bởi nhạc sỹ Trần Tuấn, thể hiện: Ca sĩ Hiền Thục.

Mở bài hát: Lặng (Hiền thục)

PHẦN 1: DẪN NHẬP

Lời dẫn (Nhạc nền cầu nguyện)

Hôm nay, gần kết thúc tháng 11 – là tháng cầu nguyện cách riêng cho các linh hồn, và đặc biệt, chỉ còn vài ngày nữa chúng ta sẽ bước vào Mùa Vọng, được sự cho phép của Cha xứ, Giới trẻ Giáo xứ tiếp tục tổ chức buổi cầu nguyện nơi Đất Thánh này với chủ đề “Cầu nguyện cho các linh hồn”.

Nhớ đến các linh hồn và cầu nguyện cho họ là giúp chúng ta nhớ về nhiều điều:

Nhớ về thân phận của mình; nhớ về những người thân yêu đã qua đi…nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp với họ; nhớ về những người đã khuất nhưng vẫn còn đó nỗi buồn hay đổ vỡ mà mình chưa hàn gắn được. Và sâu nhất là nhớ về Tình Yêu Chúa đang dành cho mỗi người.

Chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn không phải để thay đổi Chúa theo ý mình mong muốn, mà để mỗi chúng ta và các linh hồn nơi thanh luyện tiếp tục mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa.

Ước mong cộng đoàn chúng ta được thanh luyện mỗi ngày trong tình yêu của Chúa, và nhớ hiệp ý cầu nguyện cho các linh hồn không chỉ trong tháng 11 này, mà còn là mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.

Chạm lòng con, Chúa ơi, ngay giờ này. Chạm lòng con, để con không xa Ngài. Vực con vươn lên, giữa chốn tối tăm tuyệt vọng. Vực con vươn lên, giữa nghi sợ và sầu não. Và con sẽ hát, chúc tán ngợi khen danh Chúa. Xin thần linh đến, chạm vào hồn coi Chúa ơi! Đó là những tâm tình hết sức tuyệt vời mà chúng ta chuẩn bị cất tiếng hát sau đây, xin mời cộng đoàn cùng hát bài hát: “Chạm lòng con”

Hát bài hát: Chạm lòng con

  1. Chạm lòng con Chúa ơi, ngay giờ này. Chạm lòng con để con không xa Ngài. Chạm lòng con Chúa ơi, ngay giờ này. Chạm lòng con để con say mê Ngài.

ĐK: Vực con vươn lên khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng. Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não. Thì con sẽ hát chúc tán ngợi khen danh Chúa. Xin thần linh đến chạm vào con ngay Chúa ơi.

  1. Chạm lòng con Chúa ơi, ngay giờ này. Chạm lòng con để con luôn tin Ngài. Chạm lòng con Chúa ơi, ngay giờ này. Chạm lòng con để con luôn yêu Ngài.

Người dẫn: Mời cộng đoàn đứng

PHẦN 2: ĐỌC KINH THÁNH

Bài trích sách Khải Huyền của thánh Gioan tông đồ.

Bấy giờ tôi thấy một ngai lớn màu trắng và thấy Ðấng ngự trên đó. Ðất và trời biến mất trước mặt Người, không để lại dấu vết. Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa. Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa.

Đó Là Lời Chúa – Tạ Ơn Chúa

Người dẫn: Mời cộng đoàn ngồi

PHẦN 3: ĐỌC THÁNH VỊNH 120

Đức Chúa là Đấng bảo vệ dân

Nam: Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh/ giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.

Nữ: Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?

Nam: Ơn phù hộ tôi đến từ Ðức Chúa, là Ðấng dựng nên cả đất trời.

Nữ: Xin Ðấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước/ xin Người chớ ngủ quên.

Nam: Ðấng gìn giữ Ít-ra-en/ lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!

Nữ: Chính Chúa là Ðấng canh giữ bạn/ chính Chúa là Ðấng vẫn chở che/ Người luôn luôn ở gần kề.

Nam: Ngày sáu khắc/ vầng ô không tác hoạ/ đêm năm canh/ vành nguyệt chẳng hại chi.

Nữ: Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh/ giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.

Nam: Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới/ từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.

Nữ: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con/ cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa/

Nam: Tự muôn đời và chính hiện nay/ luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

Hát bài hát: Chúa chăn nuôi tôi

ĐK: Chúa chăn nuôi tôi, tôi còn mà thiếu gì. Chúa bảo vệ tôi, lẽ nào tôi còn sợ chi (còn sợ ai)

  1. Người đã dẫn tôi đi trên đồng cỏ xanh rì. Người đã dẫn tôi về, về bên dòng suối mát. Tôi ăn uống thỏa thuê thêm sức cho hồn tôi.
  2. Nẻo đường chính tôi theo cây gậy Chúa dẫn đường. Dù vượt suối qua đồi hoặc qua ngàn tăm tối. Tôi đâu quá sợ chi vì Chúa ở cùng tôi.
  3. Người dọn cỗ cho tôi ngay ở trước quân thù. Người đã xức trên đầu dầu thơm Người lai láng. Tôi vui sướng thảnh thơi vì Chúa thương hồn tôi.

PHẦN 4: SUY NIỆM: TẠI SAO PHẢI CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN

Tháng 11, Giáo Hội dùng cả tháng để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ cầu cho các Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11. Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn.

Tại sao chúng ta cần cầu nguyện cho các linh hồn? Khi họ còn sống, họ đã làm gì mà khi chết đi chúng ta phải cầu nguyện cho họ?

Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, Con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; Được lên Thiêng Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Hình hay Luyện Ngục.

Thiên Đàng, khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài. Thiêng Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.

Hỏa Ngục, là những người khi còn sống, đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa. Những người ta biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu. Hoả Ngục là những người biết được lòng yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng vẫn khước từ và không bao giờ hoán cải.

Luyện Ngục, đó là những người sau khi chết, được Chúa hứa ban Thiên Đàng nhưng vẫn phải cần một thời gian thanh luyện vì có những tội lỗi họ đã phạm khi còn sống. Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).

Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải hoàn toàn nhờ vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.

Khi một người đã qua đời, chúng ta cũng không thể biết được chính xác linh hồn đó sẽ lên Thiên Đàng, hay xuống hoả ngục, hay sẽ vào chốn Luyện hình vì có những công trạng hay tội lỗi mà chỉ có mình Thiên Chúa và linh hồn đó biết mà thôi, vì vậy việc cầu nguyện cho người qua đời là hết sức cần thiết.

Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Trong Thánh Lễ, tất cả các Kinh Tạ Ơn đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Kinh Tạ Ơn II ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.” Cũng vậy, trong Phụng Vụ các Giờ Kinh dành cho các tu sĩ và giáo sĩ đọc hàng ngày, đều có lời cầu nguyện dành cho người qua đời đặc biệt là phần Kinh Chiều. Kinh Chiều Chúa Nhật I ghi rằng: “Vì lòng từ bi cao cả Chúa, xin thương đến những người đã qua đời,  – và cho họ được vào an nghỉ trong Nước Chúa.”

Tuy nhiên bổn phận của chúng ta là những người Kitô Hữu chúng ta cũng phải đọc kinh cầu nguyện cho các Linh Hồn, tại sao?

Lửa Luyện Tội là có thật: Ở Roma, tại Nhà Thờ Thánh Tâm có một viện bảo tàng trưng những chứng tích các linh hồn hiện về xin cầu nguyện cho họ. Các chứng tích cho thấy trên các sách kinh, khăn bàn thờ, hay trên mặt bàn bị cháy nám in hình bàn tay hay các ngón tay. Họ hiện về xin cầu nguyện cho họ để mau thoát lửa luyện tội và để lại các chứng tích như một bằng chứng. Các Thánh hiện về cũng cho biết, lửa Luyện tội cũng không khác mấy so với lửa Hoả Ngục.

Họ là người thân yêu của chúng ta: Những người qua đời, chắc chắn trong số là những người thân yêu của chúng ta, ông bà cha mẹ anh chị em bạn hữu của chúng ta. Họ đã là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của chúng ta, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, chúng ta phải biết cầu nguyện cho họ. Mặc dù nếu chúng ta không có bà con bạn bè thân thuộc, chúng ta cũng phải cầu nguyện cho các linh hồn, vì qua bí tích Rữa Tội, tất cả đều là anh chị em của chúng ta.

ĐGH Phanxicô đã nói trong một buổi trưa đọc Kinh Truyền Tin: “Truyền thống Giáo hội luôn thức giục chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là dâng lễ cầu cho họ. Đó là các giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho các linh hồn, nhất là các linh hồn bị bỏ rơi. Nền tảng của việc cầu nguyện cho các linh hồn là tình hiệp thông trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô”.

Thân phận chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện hình cũng là một cách để nhớ đến thân phận của chúng ta. Có thể khi nhắm mắt lìa đời chúng ta cũng sẽ vào Luyện Hình để chịu sự thanh luyện của Thiên Chúa. Vì vậy khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi để sống tốt hơn và thánh thiện hơn đời sống Kitô hữu của chúng ta để ước mong khi chết chúng ta được Chúa hưởng phúc Thiên Đàng.

Tập cho con cái biết cầu nguyện: Cầu Nguyện cho các linh hồn và tập cho con cái cầu nguyện cầu nguyện cho các linh hồn là điều hết sức cần thiết cho con cái sau này. Nếu chúng ta không cầu nguyện cho các linh hồn và không tập cho con cái cầu nguyện cho các linh hồn thì khi chúng ta nằm xuống, ai sẽ cầu nguyện cho chúng ta?

Sinh Ơn Ích cho chính chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn không những giúp các linh hồn mau hưởng phúc Thiên Đàng nhưng còn sinh ơn ích cho chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta không những trở nên những người gần gủi với Thiên Chúa, là những người biết nghĩ đến và yêu thương người khác, là người sống vị tha và không ít kỷ. Những việc làm này đều được Thiên Chúa ghi nhận và chúc phúc cho đời sống của chúng ta.

Niềm Vui cứu rỗi: Cầu nguyện cho các linh hồn thật sự mang rất nhiều hiệu quả thiết thực. Chắc chắc các linh hồn trong luyện ngục sẽ được “rút ngắn” thời gian thanh luyện vì lời nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó chúng ta được gặp anh chị em của chúng ta trên Thiêng Đàng và biết rằng chính những lời nguyện và hy sinh của chúng ta đã giải thoát họ sớm chốn Luyện Hình. Khi chúng ta vào Thiêng Đàng rất nhiều linh hồn đến cảm ơn chúng ta vì những lời nguyện và hy sinh nhỏ chúng ta đã làm cho họ.

Rất dễ làm: Cầu nguyện cho các linh hồn không những rất dễ và lại còn có nhiều cách khác nhau. Đọc kinh Vực Sâu, một vài kinh Kình Mừng hay một vài kinh Lạy Cha, ngắn hơn thì đọc kinh cầu các Linh Hồn (Chúng con cậy vì danh Chúa….) trước khi ngủ hay trong lúc đi bộ. Sốt sáng hơn thì đọc một chuổi mân côi cầu nguyện cho các Linh Hồn. Chúng ta có thể xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn và cùng hiệp thông với Linh mục trong Thánh Lễ đó. Hy sinh, hãm minh và làm việc bác ái để cầu cho họ là những điều rất cần thiết. Thăm viếng Nghĩa Trang và phần Mộ của người thân yêu đặc biệt là trong tháng 11, Mùng 2 Tết và ngày Giỗ của họ là những điều rất ý nghĩa và thiết thực.

Các Linh Hồn luôn mong chờ những lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé của chúng ta.

PHẦN 5: ĐỌC THÁNH VỊNH

Thánh Vịnh 130 – “Tiếng Kêu Từ Vực Thẳm”

Nữ: Từ vực thẳm/ con kêu lên Ngài/ lạy Chúa

Nam: Muôn lạy Chúa/ xin Ngài nghe tiếng con/ dám xin Ngài lắng tai để ý/ nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

Nữ: Ôi lạy Chúa/ nếu như Ngài chấp tội/ nào có ai đứng vững được chăng?

Nam: Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ/ để chúng con biết kính sợ Ngài.

Nữ: Mong đợi Chúa/ tôi hết lòng mong đợi/ cậy trông ở lời Người.

Nam: Hồn tôi trông chờ Chúa/ hơn lính canh mong đợi hừng đông

Nữ: Trông cậy Chúa đi/ Ít-ra-en hỡi/ bởi Chúa luôn từ ái một niềm/ ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

Nam: Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Nữ: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con/ Cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa/

Nam: Tự muôn đời và chính hiện nay/ Luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

Hát bài hát: Từ vực sâu u tối

ĐK. Từ vực sâu u tối, con cầu xin Chúa Chúa ơi! Từ vực sâu thương đau con đợi trông Chúa nhậm lời.

  1. Nếu Chúa chấp tội Chúa ơi, nào ai đứng vững thảnh thơi. Nhưng Cha khoan hồng thứ tha khiến muôn dân luôn tin thờ.
  2. Con luôn trông cậy Chúa con, hồn con tha thiết cậy tin. Con luôn trông cậy Chúa con vững tâm tin lời đoan nguyền.
  3. Hơn quân canh đợi ánh dương, hồn con trông Chúa nào ngơi. Hơn quân canh đợi ánh dương, Ích – Diên mong đợi Chúa Trời.

PHẦN 6: Ý NGHĨA CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN

Khi thời tiết trở nên se lạnh và những chiếc lá mùa thu bắt đầu rơi rụng cũng là lúc chúng ta nhớ đến những người thân yêu của mình, những người mà ngày nào đó vẫn còn ở bên cạnh ta nhưng nay không còn hiện diện với ta nữa. Để nhớ đến các ngài, Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Tháng này bắt đầu với Lễ Các Thánh và Lễ Cầu Nguyện Cho các Linh Hồn, chúng ta gọi tháng này là tháng cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.

Với truyền thống kính nhớ tổ tiên ông bà, các Tín hữu Công Giáo Việt Nam rất coi trọng tháng này. Mỗi gia đình thường lau dọn những phần mộ của người thân, xin lễ cầu nguyện, làm việc lành, và nhất là dọn mình lãnh ơn toàn xá để chỉ cho các linh hồn. Tất cả những gì chúng ta làm là để tìm ơn ích cho các linh hồn, đặc biệt là linh hồn những người thân yêu. Tại sao những người đang sống lại có thể cầu nguyện cho các linh hồn, và liệu họ có cần lời cầu nguyện của chúng ta không?

Mạc Khải của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót nhưng Ngài cũng là Đấng phán xét công minh. “Do đó, tội lỗi, vì xúc phạm đến sự thánh thiện và công chính của Thiên Chúa, nên đã sinh ra những hình phạt. Những hình phạt này được đền bù ở đời này hoặc đời sau. Quả thế, trong Luyện ngục, các linh hồn “chết trong tình yêu của Chúa và thực tình sám hối, trước khi đền bù cân xứng với tội phạm, phải “thanh tẩy sau khi chết” bằng những khổ hình trong Luyện ngục.”

Tuy Luyện ngục là nơi thanh luyện nhưng Người Công Giáo tin rằng Luyện ngục cũng chính là nơi mà Thiên Chúa diễn tả tình thương của mình dành cho con người, Ngài khao khát tẩy rửa linh hồn chúng ta để chúng ta có thể thông hiệp trọn vẹn với Ngài trong Thiên Quốc. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa còn lớn hơn sự phán xét công minh của Ngài; vì thế, nhờ sự chuyển cầu của những người còn sống những linh hồn ở trong luyện ngục có thể thoát khỏi các hình phạt do tội gây ra.

Thứ  hai, với tư cách là những Ki-tô hữu, chúng ta không thực hiện hành trình đời mình một cách đơn lẻ nhưng cùng với toàn thể anh chị em trong cộng đoàn những người tin. Sự thông hiệp này không chỉ được diễn tả giữa những người con sống, mà với cả những người đã qua đời, đây gọi là mầu nhiệm “Các Thánh Cùng Thông Công.”

Theo đó, Hội thánh theo nghĩa rộng gồm ba thành phần: Giáo hội lữ hành (tại thế), Giáo hội khải hoàn (chiến thắng), Giáo hội thanh luyện (khổ đau). Trong Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina) do ĐTC Phaolô VI ban bố ngày 1 tháng 1 năm 1967 xác nhận rằng: “Người Công giáo tương trợ lẫn nhau để đạt đến cùng đích siêu nhiên. Chứng cớ sự tương trợ này thể hiện nơi Adam, từ ông, tội lan ra mọi người. Nhưng ta có sự tương trợ lớn nhất, hiệu quả nhất, được đặt trên nền tảng và gương mẫu của Chúa Kitô, liên kết chúng ta với Đấng kêu gọi chúng ta.” Thật vậy, trong toàn thân thể Giáo hội, tất cả chúng ta được liên kết với nhau nhờ liên kết với Đầu là chính Đức Ki-tô. “Đời sống mỗi người con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô được liên kết cách lạ lùng với các anh chị em tín hữu khác trong sự hợp nhất linh thiêng của Nhiệm thể Chúa Kitô, trở thành một nhiệm thể duy nhất.”

Như vậy, trong những ngày lễ này, chúng ta không chỉ nhớ đến những người đã khuất mà còn được mời gọi để cầu nguyên, bố thí và dâng thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài. Đó là một ân huệ cũng như là một cơ hội để diễn tả tình yêu vốn được xem là bản chất của người Ki-tô hữu.

Trước hết, đó là một ân huệ vì qua hành vi này ta thấy được tình yêu lớn lao Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài luôn luôn kiên nhẫn với những yếu đuối và giới hạn của con cái mình. Ân sủng của Ngài luôn mở ra cho những ai sẵn sàng đón nhận. Hơn nữa, khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúng ta cũng xác tín rằng, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ được đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa ngang qua lời cầu nguyện của người thân. Ngoài ra, khi nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, các linh hồn trong luyện ngục được giải thoát khỏi hình phạt và trở về bên Chúa. Ở bên cạnh Chúa, đến lượt mình, các ngài sẽ chuyển cầu cho chúng ta. Như thế nhờ vào sự chung hiệp này, chúng ta có một cách thế chắc chắn để cầu xin cho chính bản thân mình.

Thứ đến, việc cầu nguyện cho các người đã khuất là một cơ hội cho mỗi người Ki-tô hữu diễn tả tình yêu của mình đối với tha nhân. Tình yêu đó trước hết được dành cho những người thân yêu của mình. Những người mà ta vẫn hằng nhớ đến trong lời cầu nguyện cho dù họ đã rời xa ta. Nhờ sự thông hiệp này, mối dây giữa ta với người thân dường như không bao giờ bị cắt đứt. Tình yêu này không chỉ giới hạn nơi những người thân mà còn được nới rộng đến những linh hồn mà ta không biết đến tên của họ. Việc cầu nguyện này cho chúng ta thấy rằng, tình yêu của người Ki-tô hữu vượt qua mọi ranh giới.

Vì thế, tình yêu này cũng nhắc nhớ những người đang sống về mầu nhiệm hiệp thông trong thân thể Chúa Ki-tô. Tình yêu này được diễn tả một cách rõ ràng khi những người còn sống lãnh nhận được ơn ân xá nhưng lại muốn nhường lại cho các linh hồn. Đức Phaolô VI đã diễn tả đức ái đó như sau: “Việc sử dụng ân xá cho ta thấy mình gần gũi với nhau trong Chúa Kitô, và đời sống siêu nhiên có thể giúp nhau dễ dàng và gần gũi kết hợp với Chúa Cha. Dùng ân xá có ảnh hưởng cách hữu hiệu trên đức Ái nơi chúng ta, và tỏ ra đức Ái cách trổi vượt khi ta nhường ân xá cho những anh chị em đã ly trần trong Chúa Kitô.”

PHẦN 7: NGHE NHẠC THÁNH CA

Mở bài hát: Hạt bụi đời con

PHẦN 7: ĐỌC KINH

Kinh Lạy Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ , nhưng cứu chúng con cho khoỉ sự dữ. AMEN.

Kinh Kính Mừng

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chuá Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn moị người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử AMEN

Kinh Sáng Danh

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. AMEN

Kinh Tin Kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh-giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Lời Nguyện:

Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời, sáng láng vui vẻ vô cùng . AMEN.

Link download

Các bạn tải về và sử dụng hợp lý nha. Mẫu này mình đã sử dụng và thời lượng chính xác khoảng 1 tiếng đồng hồ. Mình gửi kèm file MS Word và Powerpoint luôn nên các bạn chỉ việc tải về sử dụng là được nha!

File Word: https://drive.google.com/file/d/1s2yKODgtIEaSK3gUDnaZlZoPs-TaF1SO/view?usp=sharing

File Powerpoint: https://drive.google.com/file/d/1F8nyLWWaCC3g361qObAFQRQdFXwJTS6D/view?usp=sharing

5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ bài viết:

Thông báo chính thức: Ninh Bình Web (thuộc GiuseArt) không hợp tác với bất kỳ ai để bán giao diện Wordpress và cũng không bán ở bất kỳ kênh nào ngoại trừ Facebookzalo chính thức.

Chúng tôi chỉ support cho những khách hàng mua source code chính chủ. Tiền nào của nấy, khách hàng cân nhắc không nên ham rẻ để mua phải source code không rõ nguồn gốc và không có support về sau! Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật:

One thought on “Chương trình cầu nguyện Taize: Cầu cho các linh hồn trong luyện ngục

  1. Thái Văn Phú says:

    Anh có thể chia sẻ chương trình cầu nguyện Taize các chủ đề khác hoặc các tháng khác nữa được không ạ. Cảm ơn anh!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang chủ
Tìm kiếm
Lên trên
Chia sẻ
Tải lại
Bình luận